Hôm ấy, một ngày mùa hạ, khí trời oi ả nóng nực. Chiều lại, một người nhờ cơn gió hiu hiu đem diều ra thả. Chiếc diều từ từ bay lên, hòa vào không gian những tiếng bổng trầm, khiến cho, không những người có diều, mà cả những người xung quanh, cũng được thư thái, bỏ những lúc thiêu đốt ban ngày. Nhưng giữa lúc bao người đang sung sướng hưởng tiếng sáo thì trong một căn nhà nhỏ hẹp, một bà lão rên rỉ. Bà khó chịu, khó chịu vì bệnh và khó chịu vì một cớ khác nữa, một cớ tuy chỉ nhất thời, nhưng nó cũng đã làm tăng khó chịu cho Bà. Bà cất tiếng bảo người con: “Này con, con xem ai thả diều, thì xin họ làm ơn hạ xuống, kẻo mẹ khó chịu lắm”. Đó là câu truyện có thật trăm phần trăm, và nó có thể cho ta một bài học. Những buổi chiều mùa hạ, đang lúc chúng ta mong được một luồng gió mát, nếu cơn giông đổ đến, chúng ta sẽ khoan khoái chừng nào! Nhưng biết đâu rằng: chính lúc ấy, thì những nhà có lúa phơi, đang khốn đốn chạy lúa vội, hơn nữa, những người đang vượt biển, hoặc trên sông lớn, lại lo lắng sợ hãi. Thế là cái làm ta vui, lại làm người khác khổ. Chèo ngược gió, ta mong gió xuôi lại, nhưng ta quên rằng: những ngươi đang đi xuôi gió, họ lại mong cho gió đừng thổi, vì đổi gió thì khổ cho họ. Bạn sắp đến một ngã ba, thình lình một chiếc ôtô đang tung bụi đàng trước, Bạn mong cho chiếc ôtô rẽ sang lối khác… mà quên rằng, ôtô mà rẽ, tức là nhả bụi cho những người đang đi bên ấy. Tôi có ý làm chứng rằng: nhiều sự đau khổ chúng ta gặp phải chưa chắc đã là sự khổ thật, hay nói đúng hơn, tự nó không phải là khổ. Nó chỉ khổ, đối với ai lâm vào cảnh ấy. Nhưng đồng thời, nó có thể là nguồn hạnh phúc cho nhiều người khác. Vậy tôi định nói gì? Tôi muốn nói Chúa là Cha chung cả mọi người, mọi vật, Chúa phải quan phòng đến cả thế giới, không lẽ Chúa chỉ quan tâm đến một vật, một người, trừ khi có lẽ thật đích đáng. Chúa đã quan phòng cách chung, thì cố nhiên những phần tử riêng, phải chịu thiệt thòi vì ích chung, hoặc vì ích của người khác. Một người dân cũng nhiều khi phải chịu hy sinh tư lợi, để mưu công ích. Đó chính là cái chết của những binh sĩ ngoài mặt trận, hoặc những y sĩ bỏ mình vì muốn cứu bịnh nhân trong những ngày dịch tễ. Nhưng Thánh ý Chúa đã muốn như vậy, thì Bạn nghĩ sao? Bạn phải tin chắc rằng: ta không khôn hơn Chúa, ta chỉ thấy những cái lợi nhỏ mọn, và nhiều khi nhỏ nhen của ta; Còn Chúa thì Chúa phải lo đến ích lợi chung cho cả toàn thể. Vậy cũng như trong gia đình người con thảo lúc nào cũng sẵn sàng để cho cha mẹ làm những việc, tuy không có lợi trực tiếp cho họ, hoặc đôi khi lại ngược với tư lợi của họ, nhưng họ nghĩ đến tình liên lạc trong gia đình, và ích lợi chung cho cả nhà hơn, nên họ cũng bằng lòng hy sinh tư lợi; hoặc bằng lòng chịu khó để mưu ích chung cho cả nhà. Và nếu có phải người con có hiếu thật, một người anh, người chị, người em có lòng yêu thương anh chị em thật, thì người ấy sẽ cho thế là vinh hạnh, vì thấy chính cái khổ của mình làm cho gia đình sung sướng. Ta phải nhận rằng: Chúa là Đấng thông minh và khôn ngoan vô cùng. Chúa không làm một cái gì, mà không do sự khôn ngoan và thông minh vô cùng ấy. Đã vậy ta còn phàn nàn kêu trách Chúa gì nữa? Sao ta còn năn nỉ, khi người khác vui còn ta khổ? Vì biết bao lần, người khác đã đành hy sinh những khoái lạc của họ để ta được hạnh phúc. Nhiều lần Chúa cũng đã bắt người khác đau đớn để ta được vui mừng. Thì Bạn hãy nhớ những sự hy sinh cố gắng cha mẹ Bạn đã chịu từ lúc Bạn chưa ra đời cho tới ngày nay, cho tới ngày Bạn trưởng thành, lúc không cần đến sự săn sóc của cha mẹ nữa. Nhưng Bạn đừng tưởng tôi muốn cấm Bạn không được cầu xin Chúa cất bớt những sự khốn khó Bạn gặp trên đời. Không, Bạn ạ, có đâu tôi độc ác đến thế. Trái lại, tôi cứ lời Chúa dạy trong kinh Lạy Cha, mà khuyên Bạn, khi gặp sự khó hãy lấy lòng trông cậy, chạy đến cùng Chúa, xin Chúa cứu Bạn thoát những sự khó ấy. Các Thánh cũng đã làm như vậy. Có Đấng đã xin Chúa cất mình khỏi thế gian, như Thánh Phaolô; và chính Chúa Giêsu trong vườn Diệt, cũng đã nguyện xin Đức Chúa Cha cất chén đắng cho Người. Vậy lẽ gì tôi lại cấm Bạn không được xin Chúa cất bớt sự khó Bạn gặp hàng ngày? Nhưng tôi chỉ muốn nói điều này, là khi Bạn xin Chúa cất bớt sự khó đi cho, thì Bạn cũng hãy bắt chước Chúa mà thêm lời này: “Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con”. Đó là điều quan hệ. Chúng ta lúc nào cũng phải theo Thánh ý Chúa, vì duy Thánh ý Chúa là đường chắc đưa ta đến cùng Người. Không theo Thánh ý Chúa, là hỏng cả mọi việc, sự đau khổ đã không bớt, nhiều khi lại tăng thêm, nhất là thiệt mất bao dịp lập công đền tội. Đó là mấy lời chân thành tôi trao lại cho Bạn. Nếu Bạn hiểu và thi hành những điều ấy, thì sau này triều thiên của Bạn sẽ sáng láng gấp nghìn gấp vạn lần. Bạn nghĩ sao? Bạn có đủ can đảm để thi hành những điều ấy không? Tôi mong Bạn có đủ can đảm. Mà nếu Bạn thấy mình thiếu can đảm, Bạn hãy cầu xin hàng ngày. Thế nào Chúa và Đức Mẹ cũng ban cho Bạn.
|